Dinh Dưỡng Cơ Bản Cho Bệnh Nhân Ung Thư

CÂU HỎI:

Dinh Dưỡng Cơ Bản Cho Bệnh Nhân Ung Thư

Chào nhà thuốc, người thân của tôi bị mắc bệnh ung thư, tôi cần tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh, có những lưu ý gì đặc biệt không, Xin cảm ơn!

TRẢ LỜI:

Dinh Dưỡng Cơ Bản Cho Bệnh Nhân Ung Thư

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hệ Thống Nhà Thuốc Đức Nghĩa.

Ung thư và điều trị ung thư có thể gây nên những tác động bất lợi có liên quan đến dinh dưỡng đối với cơ thể bệnh nhân. Chế độ ăn là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ nói trên mang lại và giúp bệnh nhân có cảm giác sống khỏe hơn. Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm – bột đường – béo – vitamin, khoáng chất – nước.

Trong quá trình điều trị và cũng tự bản thân của căn bệnh có thể gây nên tình trạng chán ăn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể suy giảm… dẫn đến suy dinh dưỡng. Hậu quả là bệnh nhân gầy yếu, mệt mỏi, không đủ sức đề kháng chống đỡ nhiễm trùng cũng như không chịu nỗi liệu pháp điều trị ung thư nặng nề. Ăn quá ít đạm, quá ít năng lượng là một vấn đề rất thường gặp ở các bệnh nhân ung thư. Trong khi đó, dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp bệnh nhân mau lành vết thương, chống nhiễm trùng và cung cấp năng lượng cho cơ thể sống còn.

Suy dinh dưỡng là tình trạng thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư. Chứng suy mòn, làm cho bệnh nhân yếu đi, sụt cân, teo cơ, mất lớp mỡ dưới da… Những bất lợi thường gặp do ung thư và bản thân của quá trình điều trị gây nên có thể kể đến:

  • Biếng ăn
  • Thay đổi khẩu vị
  • Khô miệng
  • Đau và nhiễm trùng miệng, hầu họng
  • Buồn nôn – nôn
  • Tiêu chảy
  • Bạch cầu giảm trong máu
  • Vấn đề nước uống
  • Táo bón

Biếng ăn:

Một số gợi ý sau đây có thể giúp cải thiện tình trạng trên:

  • Ăn chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm, nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa ăn lớn chính.
  • Bổ sung thêm năng lượng và đạm vào thực phẩm (bơ, sữa bột, mật ong, đường đen…).
  • Bổ sung nước uống (những thức uống đặc biệt có chứa dưỡng chất), canh súp, sữa, nước ép (trái cây, rau, thịt), thức ăn nghiền, trộn, xay nhuyễn…(trong trường hợp bệnh nhân khó ăn được những thức ăn rắn).
  • Thời gian lúc ăn phải thư giãn, vui vẻ, buổi ăn cần được trình bày thật hấp dẫn.
  • Thể dục, vận động thường xuyên sẽ giúp ngon miệng hơn.

Thay đổi khẩu vị:

Một số phương pháp sau đây có thể giúp người bệnh giảm thiểu được tình trạng khó chịu nêu trên (những phương pháp sau đây chỉ dành cho những bệnh nhân không có tình trạng đau hoặc bị thương tổn ở răng miệng hầu họng, nếu có những vấn đề này cần gặp bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng…)

  • Súc miệng với nước sạch trước khi ăn.
  • Thử ăn những loại trái cây có vị chua (cam, quýt, chanh, bưởi…) ngoại trừ trường hợp những bệnh nhân đang bị tổn thương đau ở miệng, hầu họng.
  • Sử dụng thịt gia cầm (thịt gà, vịt bỏ da), cá, trứng, phô mai thay cho thịt đỏ (thịt bò…)
  • Tăng chế độ giàu đạm bằng cách sử dụng đạm thực vật như trong chế độ ăn chay.
  • Nếu miệng có vị tanh hoặc đắng hãy thử nếm một vài giọt chanh (cam, quýt, bưởi…) hoặc tinh chất bạc hà.
  • Thêm gia vị và nước xốt vào thức ăn.

Khô miệng:

Hóa trị liệu hoặc xạ trị ở vùng đầu, cổ… có thể gây ra sự giảm tiết nước bọt và dẫn đến khô miệng rất khó chịu. Khi gặp phải điều này, thức ăn đối với bệnh nhân sẽ trở nên cứng hơn, khó nhai và khó nuốt. Khô miệng góp phần làm tình trạng chán ăn càng trầm trọng. Trong trường hợp này, cần lưu ý:

  • Nên ăn thức ăn mềm xay nhuyễn, hoặc chế biến nhiều nước như xốt, nước thịt, xà lách trộn…
  • Có thể nhai kẹo hơi cứng hoặc nhai chewgum nhằm tăng tiết nước bọt nhiều hơn.
  • Vệ sinh răng miệng (kể cả răng giả) và súc miệng tối thiểu 4 lần 1 ngày (sau mỗi bữa ăn và trước lúc đi ngủ).
  • Uống từng ngụm nước, hoặc nước canh sau mỗi vài phút để giúp nuốt dễ dàng hơn. Nhớ đem theo nước uống khi ra khỏi nhà để tiện sử dụng mọi lúc mọi nơi.
  • Tránh các thức ăn đồ uống chứa nhiều đường.
  • Tránh súc miệng bằng những dung dịch có chứa cồn.
  • Luôn giữ ẩm cho đôi môi bằng vaselin thoa môi.

Đau và nhiễm trùng miệng, hầu họng:

Một số thực phẩm nhất định có thể kích thích nhiều hơn tình trạng răng miệng của chúng ta do gia vị cay nồng, cứng quá khó nuốt, do đó cần phải biết lựa chọn thực phẩm. Nên ăn những thực phẩm mềm, dễ dàng nhai và nuốt:

  • Trái cây mềm (chuối, dưa hấu…)
  • Phô mai
  • Khoai tây nghiền
  • Mỳ sợi, nui, bún, phở
  • Sữa, bột ngũ cốc khuấy
  • Tránh những thức ăn khô, thô, cứng (rau sống, bánh mỳ nướng, bánh quy giòn…)
  • Tránh trái cây và nước quả có vị chua (cam, quýt, bưởi…)
  • Nấu thức ăn cho đến khi thật mềm, chín tới.
  • Thực phẩm nên cắt nhỏ.
  • Ăn thực phẩm lạnh hoặc để nguội bằng nhiệt độ phòng

Buồn nôn – nôn:

  • Nên ăn trước khi đói thực sự vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn mạnh hơn.
  • Tránh những thức ăn dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi…
  • Nên ngồi hoặc nằm tư thế nữa nằm nữa ngồi sau khi ăn khoảng 1 tiếng.
  • Tránh ăn uống những thực phẩm đậm mùi trong phòng kín.
  • Không gian sống phải thoáng, không khí trong lành.
  • Nếu tình trạng buồn nôn xảy ra trong suốt thời gian xạ trị hoặc hóa liệu pháp, bệnh nhân cần tránh ăn trước khi điều trị khoảng 1-2 tiếng đồng hồ.

Vệ sinh an toàn thực phẩm:

  • Chú ý không nên mua và sử dụng những thực phẩm quá hạn sử dụng.
  • Thực phẩm xả đông cần phải được nấu, chế biến ngay sau đó.
  • Tất cả thức ăn còn dư phải được ướp lạnh bảo quản và cần phải được tiêu thụ trong vòng 24 tiếng.
  • Không sử dụng trái cây, rau quả đã bị cũ, mốc meo hoặc bầm dập.
  • Nấu chín tất cả thịt, cá. Tránh ăn trứng sống hoặc cá sống.
  • Rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế lây truyền mầm bệnh.

Vấn đề nước uống:

  • Uống 8 – 12 ly nước mỗi ngày.
  • Hạn chế những thức uống chứa cafein như càfê, trà đậm.

Táo bón:

Một số gợi ý sau đây có thể giúp ngăn ngừa táo bón:

  • Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước.
  • Uống từ 8 – 10 ly nước mỗi ngày
  • Nên đi bộ và vận động thường xuyên.
  • Nếu táo bón vẫn tồn tại sau những biện pháp dinh dưỡng, vận động và đi bộ. Có thể sử dụng thuốc để điều chỉnh.

Một thói quen ăn uống tốt, có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được nhiều bất lợi do quá trình điều trị

cũng như chính bản thân căn bệnh mang lại. Khối u ác tính có thể sản sinh ra những chất làm ảnh hưởng

xấu đến sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

 

Hotline (24/7)


08989 20 246
DMCA.com Protection Status