CÂU HỎI:
Cách Giảm Chứng Môi Khô Nứt Nẻ
Chào nhà thuốc. Môi của cháu thường xuyên bị khô, nứt nẻ. Đặc biệt khi mùa lạnh đến thì tình trạng này còn tệ hơn và làm cháu gặp khó khăn trong việc giao tiếp và ăn uống. Có cách nào khắc phục tình trạng này không ạ? Cháu xin cảm ơn nhà thuốc đã giải đáp.
TRẢ LỜI:
Cách Giảm Chứng Môi Khô Nứt Nẻ
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hệ thống nhà thuốc Đức Nghĩa.
Nứt nẻ môi là tình trạng có thể gặp quanh năm, không chỉ riêng mùa lạnh, hanh khô. Ngoài các yếu tố bên ngoài, còn có những nguyên nhân khác khiến môi bạn bị khô. Do đó bạn cần biết những nguyên nhân này để đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp.
Có rất nhiều lý do khiến bạn bị nứt nẻ môi. Dưới đây là những nguyên nhân hàng đầu mà bạn cần lưu ý:
Mất nước
Môi không giống như da ở nơi khác trên cơ thể có chứa các tuyến dầu. Do đó, cơ thể thiếu nước một chút sẽ khiến môi bạn dễ dàng bị khô.
Liếm môi
Mỗi khi bạn liếm môi hay cắn hoặc bặm môi, bạn nghĩ rằng bạn đang làm ướt chúng, nhưng sự thật là bạn chỉ đang làm tăng tốc độ bay hơi ẩm khiến môi càng khô hơn.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Khi bạn có một chế độ ăn uống không cân bằng, có khả năng rất lớn là bạn có hàm lượng kẽm, sắt và vitamin B thấp, những yếu tố cần thiết để làm cho đôi môi của bạn khỏe mạnh. Thông thường, khi bạn thiếu các dưỡng chất này sẽ dẫn đến tình trạng nứt khóe môi.
Tiếp xúc với yếu tố môi trường bất lợi
Môi rất nhạy cảm và sự thay đổi của thời tiết, môi trường và mùa có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài và tình trạng chung của môi. Ví dụ, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ khiến môi bị khô, hoặc khi môi tiếp xúc với không khí hanh khô cũng vậy.
Dị ứng
Dị ứng với coban và niken chỉ là một số loại dị ứng phổ biến nhất gây khô và nứt nẻ môi. Khi cơ thể bạn quá thừa vitamin B, nó thường làm tăng khả năng bị dị ứng với coban.
Liên quan đến dị ứng, lưu ý rằng một số kem đánh răng và son môi có một số thành phần nhất định sẽ gây kích ứng môi của bạn. Những loại khác như dưỡng môi và chăm sóc môi thậm chí có thể gây ra phản ứng xấu nếu những sản phẩm này không đảm bảo chất lượng.
Thở bằng miệng
Có những người vô tình thở bằng miệng (trong trường hợp bị cảm lạnh hoặc viêm mũi), có thể nhận thấy môi bị khô. Đó là do, không khí đi qua làn môi liên tục làm khô môi.
Không dưỡng môi
Hầu hết các trường hợp khô môi đến nứt nẻ, ngoài các nguyên nhân khác, nguyên nhân đơn giản vì họ là người lơ là trong việc bảo vệ đôi môi của mình đơn giản bằng cách dưỡng môi.
Thuốc
Nếu bạn đang dùng thuốc do bác sĩ kê đơn, những loại thuốc này có thể là nguyên nhân khiến bạn bị nứt nẻ môi. Ví dụ thuốc propranolol cho tăng huyết áp và accutane cho mụn trứng cá.
Bệnh
Môi nứt nẻ cũng có thể là một triệu chứng của một bệnh nào đó. Điều quan trọng cần lưu ý là tình trạng khô môi nứt nẻ không phải lúc nào cũng đơn giản. Ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường, các bệnh tự miễn dịch là những bệnh nhân bị khô và nứt nẻ môi nhiều nhất.
Vậy làm thế nào để giảm hoặc ngăn ngừa môi nứt nẻ?
Khi bạn xác định đượng nguyên nhân khiến mình bị nứt nẻ môi, bạn sẽ dễ dàng biết được điều gì sẽ giúp bạn chữa trị và ngăn ngừa điều này:
- Uống nhiều nước và không bao giờ quên bù nước
- Ngừng thói quen liếm môi.
- Ăn nhiều rau và trái cây.
- Có một chế độ ăn uống cân bằng.
- Sử dụng kem dưỡng và các loại son môi, son dưỡng môi giàu vitamin E và có thành phần chống nắng càng tốt.
- Không xé hoặc dứt những phần da môi bị nứt nẻ. Điều này sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng nứt nẻ môi.
- Giảm thức ăn cay, mặn.
- Duy trì độ ẩm trong phòng ngay cả khi ngủ.
- Luôn luôn thở bằng mũi.
- Ngoài ra có thể đắp dưa chuột, nha đam hoặc mật ong lên môi vào mỗi buổi tối để làm dịu môi.
Nếu tất cả những cách này không hiệu quả, có thể bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe và cần được khám và điều trị.
Hy vọng thông tin trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc của mình. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Nguồn: Tổng hợp.