Cách Đo Huyết Áp Chuẩn Xác Cho Người Sử Dụng Tại Nhà

CÂU HỎI:

Bố tôi bị bệnh Cao huyết áp, để theo dõi sức khỏe của bố tôi đã mua cho ông một máy đo huyết áp điện tử tại nhà. Tôi đã đọc hướng dẫn sử dụng nhưng mỗi lần đo các kết quả khác nhau và chênh lệch nhiều. Nhờ Nhà Thuốc hướng dẫn cụ thể giúp tôi ? Xin cảm ơn.

TRẢ LỜI:

Chào bạn,

Đo huyết áp là một việc quan trọng để kiểm tra sức khỏe của bản thân và gia đình. Các thông số sau khi đo sẽ giúp bạn chẩn đoán được tình trạng bệnh cũng như có phương pháp can thiệp kịp thời. Tư thế đo và thao tác đo ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, sau đây Đức Nghĩa Pharmacy xin hướng dẫn chi tiết cách sử dụng máy đo huyết áp tại nhà.

Hướng dẫn đo huyết áp chuẩn xác tại nhà

Chuẩn bị trước khi tiến hành đo

Để thiết bị đo huyết áp cho ra kết quả chính xác nhất, người sử dụng cần nghỉ ngơi ít nhất 5 – 10 phút trước khi bắt đầu đo, ngồi tư thế thả lỏng và thoải mái.

Không nên đo huyết áp khi vừa mới vận động mạnh, ăn no hoặc quá đói, vì khi đó huyết áp thường thấp hoặc cao hơn so với con số bình thường.

Không sử dụng Cafein và các thức uống có cồn trước khi đo 2 tiếng.

Tư thế đo chuẩn: Người được đo huyết áp ngồi trên ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay nằm ngang mức tim. Người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nên đo huyết áp ở tư thế đứng nhằm xác định có tình trạng hạ huyết áp tư thế không.

Vị trí khi đo huyết áp

Khi đo huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử, điểm cảm ứng trong băng quấn tay phải nằm ngang với tim.

  • Nếu đo ở cổ tay: Gập cánh tay góc 45 độ để cổ tay ngang với tim.
  • Nếu đo ở bắp tay: Đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với điểm cảm ứng nằm trên khuỷu tay 2cm.

Thao tác đo huyết áp

Sau khi đã ngồi đúng tư thể và điểm cảm ứng ngang với tim, đeo bao quấn tay và nhất nút đo để tiến hành quá trình đo. Giữ nguyên tư thế khi thiết bị cho ra kết quả trên màn hình thì tắt máy.

Cần đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng của từng loại thiết bị đo huyết áp riêng biệt trước khi dùng.

Đọc và ghi lại kết quả sau đo

Sau khi đo xong, màn hình sẽ hiển thị 2 trị số thu tâm (số lớn) và trương tâm (số nhỏ). Đây là 2 chỉ số quan trọng để xác định được tình trạng bệnh.

Lưu ý:

  • Khi tiến hành đo huyết áp, người sử dụng không ăn, không uống và không nói trong lúc đo huyết áp để tránh tình trạng sai lệch kết quả.
  • Lần đầu đo nên đo cả 2 tay rồi chọn tay có huyết áp cao hơn.
  • Mỗi ngày nên đo 2 lần, vào lúc buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi chiều sau bữa ăn 1 giờ.
  • Nên đo huyết áp nhiều lần để có kết quả chính xác ở bệnh nhân rối loạn nhịp tim.

Huyết áp như thế nào là bình thường?

Để biết huyết áp như thế nào là bình thường bạn cần dựa vào 2 chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Bên cạnh đó bạn cần phải dựa vào khoảng cách giữa 2 chỉ số này để đánh giá tình trạng huyết áp. Nếu khoảng cách này càng lớn tức là huyết áp càng an toàn cho người bệnh, nếu khoảng cách này càng bé thì nguy cơ bệnh càng trầm trọng.

Theo Bộ Y tế, một người có mức huyết áp dưới 120/80 mmHg là đang ở mức bình thường. Cụ thể như sau:

  • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg là huyết áp bình thường.
  • Huyết áp cao: Huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên là huyết áp cao.
  • Tiền cao huyết áp: Nếu chỉ số cho ra nằm giữa huyết áp bình thường và huyết áp cao gọi là tiền cao huyết áp.
  • Huyết áp thấp: Huyết áp tâm thu dưới 100 mmHg là huyết áp thấp.

Để phát hiện ra các bệnh liên quan đến huyết áp hay để kết luận một người có bị tăng huyết áp hay không, chúng ta cần căn cứ vào chỉ số đo huyết áp của nhiều ngày.

Vì vậy, cần phải đo huyết áp thường xuyên để nhận ra được sự biến động của chỉ số. Trong một số trường hợp, chỉ số huyết áp sẽ tăng nhất thời khi stress, sau khi uống rượu, bia,… Chỉ số huyết áp bình thường cũng có sự khác nhau ở mỗi độ tuổi.

Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích khi đo huyết áp tại nhà.

Nguồn Tham Khảo: Tổng Hợp

Hotline (24/7)


08989 20 246
DMCA.com Protection Status